Đền tháp Borobudur là kỳ quan kiến trúc Phật giáo cổ kính, được xây dựng vào thế kỷ 9 dưới triều đại Sailendra. Vậy ngôi đền này có gì đặc biệt, mà lại hàng năm thu hút một lượng khách du lịch đến đây rất đông? Hãy cùng Khách sạn YASAKA Sài Gòn Nha Trang khám phá địa điểm này ngay sau đây.
Một Vài Nét Sơ Khởi Về Đền Tháp Borobudur
Trong ngôn ngữ của Indonesia, Borobudur có nghĩa là “Tháp Phật trên đồi cao”. Đền tháp này được cấu trúc bởi 300.000 viên đá xếp thành, tọa lạc trên một mặt bằng hình vuông với diện tích lên đến 2.500 m². Mô hình kiến trúc theo khái niệm luật thuyết của Phật giáo Tây Tạng.
Đền tháp Borobudur cao 42m, gồm 12 tầng to nhỏ, vuông tròn xen kẽ lẫn nhau. Trên mỗi tầng lại là những tháp nhỏ như các chiếc sọt, nên người ta còn đặt cho ngôi đền cổ này cái tên “Sọt Phật Java”.
Lúc hoàn thành Borobudur, ở đây có khoảng 602 bức tượng Phật được điêu khắc cực kỳ tinh tế. Ngày nay, một số tượng bị đánh cắp hoặc bị lấy mất phần đầu cho nên chỉ còn 504 tượng hoàn chỉnh, mất gần 100 tượng.
Nguồn Gốc Đền Tháp Borobudur
Nguồn gốc của ngôi đền Borobudur này mãi cho đến hôm nay vẫn chưa được các nhà khảo cổ học khám phá. Có ý kiến cho rằng, công trình bắt nguồn từ Campuchia. Dĩ nhiên ý kiến này hoàn toàn có cơ sở để chứng minh. Đó là vào đầu thế kỷ thứ 8, hoàng triều Sanjaya theo Ấn Độ giáo và tôn thờ thần Shiva.
Có một vị hoàng thân của vương quốc Campuchia đến đây nương tựa, được hoàng triều che chở. Sau này vị hoàng thân đó quay về Campuchia lên ngôi vào năm 802. Có lẽ chính ông là người đem dự án ngôi đền Borobudur vào Indonesia vì người ta tìm thấy ở Campuchia một ngôi đền nhỏ được xây dựng bằng gạch, hình dạng gần như hoàn nguyên với mô hình Borobudur này.
Theo những tài liệu gần đây, có lẽ năm hoàn thành đền tháp Borobudur là 850. Sau đó, khoảng thời gian những năm của thế kỷ 13, những người buôn bán Ả Rập đã đưa Hồi giáo vào đất nước Indonesia. Chỉ trong vòng vài trăm năm ngắn ngủi, cả quần đảo xinh đẹp này hoàn toàn bị Hồi giáo hóa. Từ đó, Borobudur trở nên hoang tàn, không một ai đến thăm.
Mãi đến trận thế chiến thứ 2 kết thúc (1945) chính phủ đất nước Indonesia mới ý thức được tầm quan trọng của Borobudur nên ra sức mời các nhà khảo cổ học nổi tiếng trên thế giới về đây nghiên cứu. Đồng thời họ cũng đệ đơn yêu cầu UNESCO giúp trùng tu công trình tôn giáo cổ xưa này.
Sau đó, một chương trình cấp thời vào năm 1948 do Liên Hiệp Quốc đã đưa ra nhằm giúp đỡ đền tháp Borobudur thoát khỏi tình trạng hoang tàn này. Hơn 20 năm sau, UNESCO lại thêm một chương trình trùng tu rộng lớn kéo dài gần 10 năm (1973 – 1982) bởi sự tham gia và hợp tác của 27 quốc gia với mức chi phí lên đến 17 triệu đô la.
Tham Quan Đền Tháp Borobudur
Từ xa nhìn lại, Borobudur chẳng khác nào một ngọn đồi cao chót vót hay hình một kim tự tháp với vô số tượng Phật và tòa bảo tháp. Công trình này được xây dựng hoàn toàn bằng đá núi lửa màu xám trên hòn đảo Java.
Kiến trúc của ngôi đền chia thành 3 phần chính, từ thấp đến cao, tượng trưng cho cảnh giới của Ta-bà. Khi viếng thăm ngôi đền tháp Borobudur, du khách bắt đầu di chuyển từ cổng phía Đông và đi theo chiều kim đồng hồ. Ở mỗi tầng đều có cầu thang để lên tầng cao hơn. Bạn sẽ bất ngờ khi đưa mắt nhìn lên phía trên vách đá, tái hiện các cảnh tượng điêu khắc của Dục giới. Tiếp tục tầng tiếp theo là Sắc giới, tầng trên cùng là Vô sắc giới.
Đã đến đây rồi, hầu như du khách nào cũng muốn lên tận đỉnh của ngôi đền tháp. Tại đây, bạn có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh vật xung quanh. Đặc biệt, ở đền tháp Borobudur còn có thả đèn trời, một khoảnh khắc khó quên trong chuyến hành trình.
Một Số Lưu Ý Khi Đến Đền Tháp Borobudur
Không riêng gì vào dịp lễ Vesak truyền thống, Phật tử Indonesia về đây hành hương, mà hàng năm thu hút rất nhiều du khách tới du lịch. Khi đến ngôi đền linh thiêng này, bạn nên mặc những bộ trang phục kín đáo, tránh quá ngắn hoặc hở hang. Để thoải mái khám phá ngôi đền, bạn nên mang một đôi giày thể thao, sử dụng kem chống nắng và áo khoác, mũ đi kèm…
Ngôi đền cách thành phố Yogyakarta 1h lái xe. Vì thế, cách dễ nhất để đến đây là thuê một chiếc xe hơi nếu đi tự túc hoặc chọn hình thức tour du lịch cho tiện và dễ dàng.
Đối với các tín đồ đạo Phật thì ngôi đền tháp Borobudur là đại diện thiêng liêng của Phật giáo thực nghiệm. Vậy nên họ có thể dễ dàng hình dung quá trình cũng như thành quả của bản thân khi tu luyện qua kiến trúc của ngôi đền.
Ngày nay, đền tháp Borobudur là địa danh thu hút nhiều khách du lịch Indonesia nhiều nhất. Không chỉ đơn thuần là một kỳ quan vĩ đại của nhân loại mà trên hết, Borobudur còn là một công trình kiến trúc vĩ đại, chứa nhiều giá trị của nhân loại và Phật giáo, giữa thế giới tâm linh và hiện thực.